Ngỡ ngàng cách sản xuất nước tinh khiết Malada
Admin
Thứ Năm,
28/11/2024
Toàn bộ quá trình từ khâu rửa bình đến đóng chai đều diễn ra trong một không gian chật hẹp, ẩm thấp, chỉ khoảng 20 m²
Ngày 27-11, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã gửi mẫu nước thu được tại cơ sở nước uống tinh khiết Malada (địa chỉ 332 Trương Công Định, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để phân tích sau khi nhận được phản ánh về việc cơ sở này sản xuất nước không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không bảo đảm vệ sinh
Cơ sở này, thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hạnh Trang (TP Vũng Tàu), đã hoạt động nhiều năm qua nhưng quy trình sản xuất lại vô cùng sơ sài và thiếu chuyên nghiệp. Toàn bộ quá trình từ khâu rửa bình đến đóng chai đều diễn ra trong một không gian chật hẹp, ẩm thấp, chỉ khoảng 20 m². Điều đáng nói là cơ sở này nằm ngay cạnh một tiệm rửa ô tô, không hề có hàng rào ngăn cách.
Hàng chục bình nước loại 20 lít được chất chồng lên nhau trên nền đất ẩm ướt, xung quanh là những vũng nước đọng và rác thải. Chỉ cách đó vài mét, các nhân viên đang sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa để vệ sinh xe, tạo ra một môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.
Bên trong xưởng sản xuất, các bình nước các loại được đặt la liệt khắp nơi, không có sự phân chia khu vực rõ ràng. Ngoài nhãn hiệu Malada, cơ sở này còn sản xuất và đóng chai một nhãn hiệu khác có tên Pacific.
Điều đáng báo động là mỗi ngày, cơ sở này cung cấp ra thị trường hàng chục bình nước loại 20 lít, chủ yếu phục vụ cho công nhân và người lao động tại các khu nhà trọ với giá thành rẻ. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn người dân có thể đã vô tình sử dụng nguồn nước không bảo đảm an toàn vệ sinh.
Theo Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cơ sở này có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện tự công bố sản phẩm đối với nhãn hiệu Malada. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, chưa xuất trình được danh sách tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, chưa xuất trình được bản tự công bố sản phẩm đối với nhãn hiệu nước uống đóng chai/bình Pacific. Ngoài ra, thời điểm kiểm tra, trần nhà khu vực sản xuất và kho bị rạn nứt. Khu vực chiết rót nước uống đóng chai không kín.
Trước đó, tháng 3-2023, cơ sở này đã bị xử phạt số tiền 12 triệu đồng với hành vi khu vực chiết rót nước đóng chai không được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí. Lực lượng chức năng đã yêu cầu cơ sở khắc phục, sửa chữa, tuy nhiên chỉ hơn 1 năm sau thì tình trạng này tiếp tục diễn ra.
Vi phạm
Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, quy trình sản xuất nước tinh khiết phải tuân thủ rất nhiều quy định chặt chẽ, từ khâu thiết kế nhà xưởng, lắp đặt hệ thống lọc, đến việc kiểm định chất lượng nước đầu vào và đầu ra.
Tuy nhiên, cơ sở Malada lại vi phạm hầu hết các quy định này. Nhà xưởng sản xuất nằm ngay cạnh tiệm rửa xe, không bảo đảm vệ sinh. Quy trình sản xuất sơ sài, thiếu chuyên nghiệp, không có sự phân chia khu vực rõ ràng. Điều này đồng nghĩa với việc nước sản xuất ra khó bảo đảm chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP, hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh có thể bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở sản xuất còn có thể bị đình chỉ hoạt động trong vòng 1-3 tháng và buộc phải tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm.
Đặc biệt, việc cơ sở này sản xuất và phân phối 2 nhãn hiệu nước uống khác nhau mà không có giấy phép hợp quy là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Sở hữu trí tuệ. Theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 250 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.
Nguy cơ tiềm ẩn
Theo PGS-TS Đặng Văn Hoài - Trưởng Khoa Khoa học cơ bản, Trưởng Bộ môn Hóa, Trường Đại học Y Dược TP HCM - việc sản xuất nước uống tinh khiết gần tiệm rửa xe tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Các hóa chất tẩy rửa từ tiệm rửa xe, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, có thể xâm nhập vào không khí và ảnh hưởng đến chất lượng nước sản xuất.
Chất lượng nước uống phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó nguồn nước đầu vào và quy trình sản xuất đóng vai trò quan trọng. Ngay cả khi nguồn nước đã được xử lý, nếu môi trường sản xuất không bảo đảm vô trùng, các chất ô nhiễm từ bên ngoài vẫn có thể xâm nhập, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Các hóa chất độc hại như chì, đồng, arsenic, nếu lẫn vào nước uống, có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, từ tổn thương tế bào đến ung thư. Bên cạnh đó, vi khuẩn như E.coli cũng có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa.
PGS-TS Đặng Văn Hoài nhấn mạnh, diện tích sản xuất không phải là yếu tố quyết định chất lượng nước, mà yếu tố quan trọng là quy trình sản xuất có bảo đảm vệ sinh và an toàn thực phẩm hay không. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Hải Yến
NGỌC GIANG - PHẠM DŨNG
Nguồn bài viết: https://nld.com.vn/ngo-ngang-cach-san-xuat-nuoc-tinh-khiet-malada-196241127213751677.htm